Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

HỌC NHỊN

Hôm nay bực mình quá đi, kế toán thì ấm a ấm ớ như trên trời rơi xuống, cái gì cũng không biết mà lại hay tự ý làm. Công nhân đã vất vả rồi, nó không hỏi mình hàng hóa sắp xếp ra sao cứ bảo làm bừa đi để xếp xuống rồi lại phải bốc lên. Quát nó một chặp rồi lại cáu đến mấy đứa công nhân mới. Nó tưởng đến công ty này để chơi hay sao ấy, bê được một bao lại đứng cười, chỉ một đằng, làm một nẻo, nói nó nó lại bảo giọng chị nói em không hiểu gì. Điên hết cả người, quát ầm lên: Không hiểu thì phải dừng lại, hỏi cho hiểu rồi mới làm chứ.(Mà quát thế, chả biết nó có nghe được mình đang nói gì không, nhưng chắc biết mình giận nên chúng nó im thít,cung cúc làm việc).

Để hạ hỏa, mình cho chúng nó giải lao, còn mình thì vào văn phòng ngồi cho hơi lạnh từ điều hòa làm cho cái đầu mát đi đôi chút. Ngồi một mình chợt nhớ đến câu chị gái nói: Gieo nhân nào gặp quả đó, H cáu giận cũng là gieo nhân không tốt, hậu quả không hay đâu, hãy biết kiềm chế bản thân mình đi. Mình lại nghĩ đến mấy đứa công nhân, chúng nó đều quá ít tuổi, toàn 18 - 20 thôi. Ngày xưa mình bằng tuổi nó, ăn có khi mẹ còn phải nịnh mới chịu ăn chứ đâu đã biết làm gì, thế là lại thương. Buổi tối chúng ngồi ăn cơm, thấy trong tủ lạnh có mấy cây nem chua nên mang ra cho bọn nó ăn. Chúng ăn uống vui vẻ rồi vội vàng đi làm tiếp vì nhiều việc quá phải tăng ca. Liệu có phải mình là người xấu không? Chỉ nhìn thấy mặt yếu kém mà không cảm nhận được những nét tốt đẹp ở con người mấy đứa trẻ này?

Bình thường ai ít tiếp xúc với mình cũng đều nghĩ mình chắc chẳng bao giờ có thể nổi cáu được. Không những thế, hồi mình sinh con bé, bà giúp việc ở với mình gần một năm mà vẫn còn phát biểu: Sao mà mẹ nhẹ nhàng thế, chẳng bao giờ quát con câu nào, thằng bé bắt nạt đủ thứ mà vẫn cứ chiều được. Chú ấy(là chồng mình đấy) có phúc mà không biết đường hưởng.

Rồi sau đó mình quay về với chồng, bao nền nã của mình ngày một tan biến. Mình không làm gì được chồng, bao oan nghiệt chồng đối xử không nói được ra, đổ hết lên đầu bà ấy. Nhiều khi, một chuyện không đâu mình cũng quát ầm nhà lên, rồi lại khóc âm thầm một mình. Sau đó mấy tháng, thương bà ấy quá, ám ảnh bởi cái nhìn ngỡ ngàng của bà ấy mỗi khi mình cáu giận nên đã gọi bà ấy ra và bảo:

- Thôi cháu cho cô về, cô ở đây với cháu khổ lắm, không ở được đâu. Bao giờ cuộc sống của cháu ổn định, cháu sẽ gọi cô ra.

Bà ấy khóc suốt nhưng rồi cũng ra đi vì mình đã quyết định rồi. Khi đi, bà ấy ôm con bé nhà mình hôn khắp người nước mắt chảy lã chã làm mình cũng khóc theo. Chắc có lẽ đây là cặp duy nhất chủ và người giúp việc chia tay mà lưu luyến khóc mếu nhiều đến vậy.

Cho nên, sau chuyện ấy, gặp ai mình cũng phải bảo với họ là mình nóng tính lắm đấy, để sau này họ đừng ngỡ ngàng khi mình nổi xung lên.

Với khách hàng, bây giờ ai cũng chung một nhận xét là, mình khó tính, kiêu ngạo, bất cần,không bao giờ chăm sóc khách hàng mà hễ khách hàng tỏ thái độ khó chịu là lập tức "say goodbye". Mình cũng công nhận điều ấy. Mình cho rằng, họ và mình chỉ là thương mại, thuận mua vừa bán. Nếu hàng hóa của mình không phù hợp thì dù mình có hậu mãi tốt đến đâu họ cũng bỏ chạy. Vậy nên chẳng thể bắt vành bắt vẻ mình này nọ được.

Thế mới nói, không biết mình có thuộc tuýp người giả tạo không nhỉ?

Mẹ thì nói, mình có máu...điên. Bình thương thì thế nào cũng được, nhưng khi điên lên rồi thì không còn là mình, nói lung tung bất cần.

Mình muốn cải tổ lắm chứ, gần đây mẹ cũng khen giờ biết nhịn hơn trước nhiều. Thế mà vẫn hay quát công nhân, vẫn hay cáu giận khách hàng. Hihihi, phấn đấu chuyện này, còn khó hơn học hỏi chuyên môn.

Có ai có bí quyết gì, để mình trở nên nền nã không nhỉ?

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

MỘT ĐỜI TAN VỠ

Hôm nay có người hỏi:

- Em định bao giờ đi bước nữa?

Mình cười phá lên rồi nói:

- Ngày nào em chẳng đi hàng bao nhiêu bước. Chị hỏi vậy em biết trả lời sao?

- Cuộc đời trôi qua nhanh lắm. Là phụ nữ ai chẳng có lúc cần một chỗ dựa, không nhiều lúc tủi thân lắm em ạ.

Vừa cười đấy, mà nước mắt lại trào ra ngay được. Chị ấy gọi điện, nên cũng chả thể nào biết được nước mắt mình đang tuôn rơi nhưng chắc nghe giọng mình không ổn lắm khi nói:

- Chuyện vợ chồng là duyên số, tính sao được hả chị. Mà em còn hai đứa con, đâu thể sống cho cá nhân mình được.

Nên, sau đó chị chủ động chuyển đề tài. Mình thì lấy lại thăng bằng khá nhanh, vui vẻ hòa nhập với câu chuyện sau ngay được. Cho nên có người nói, mình có cái vỏ bọc tốt, lúc nào cũng hồ hởi dù trong bụng không vui tẹo nào.

Lại nhớ đến câu chuyện cậu bạn mình kể về người bạn học cùng mình cấp hai, sau này học cùng bạn mấy năm đại học nên hai người thường xuyên gặp nhau. Bạn hỏi cậu ấy còn nhớ H không? Cậu ấy nói: H trắng trắng, mặt tròn tròn chứ gì? Nhà nó đất rộng kinh khủng.....

Chỉ vài câu thôi, làm mình nhớ quá khứ thế, nhớ nhà thế.

Lỗi tại mẹ, sao yêu cây cối hoa lá làm chi, để trồng một cái vườn đẹp đến vậy, để nó ăn sâu vào tiềm thức con, để nó theo con suốt cuộc đời.

Mà cũng tại mẹ, sao cho con tuổi thơ êm đềm thế, để con sống ngây thơ và mơ mộng hão huyền. Khi lớn lên con ngây ngô cả tin. Con va vấp và đổ vỡ. Con làm khổ mẹ, khổ gia đình, khổ các con của con.

Con được nuông chiều, chỉ biết đổ lỗi cho quá khứ đâm ra con lại sợ quá khứ. Mà đúng thế, con sợ quãng thời gian làm vợ. Chẳng lẽ sống với một người khó đến vậy sao? Giờ nó cũng là quá khứ của con, làm con sợ nghĩ về nó, sợ những gì đã qua.

Nhiều lúc con không hiểu nổi mình nữa, con lúc nào cũng nuối tiếc ngày tháng êm đềm của tuổi thơ, nhưng nghĩ lại tuổi thơ thì sẽ nghĩ đến quá khứ, những ngày đã qua, và con lại đau khổ.

Nhìn chung quanh có bốn bức tường, va vào một bức, đổ vỡ. Va vào bức thứ hai, chia ly. Va vào bức thứ ba, lừa dối. Còn bức cuối cùng, có nên chạm vào?

Hay cứ sống như bài hát "Một đời tan vỡ" của Lam Phương?

"Thà cuộc đời như con nước đưa bèo trôi....Đây đó cho qua một kiếp người"

GÓC CỦA MÌNH

Sáng nay khi chạy xe ra đường, vừa đến chân cầu thì thấy một cảnh tượng làm mình tức hết cả mắt. Một bà mẹ trông có vẻ tiều tụy, gày gò, quãng chừng 50 tuổi đẩy một chiếc xe ba gác chở trái cây bán rong. Một cô con gái chạc 20, ăn mặc khá sành điệu ngồi vắt vẻo một bên chiếc xe. Con dốc khá cao, bà mẹ gò lưng đẩy chiếc xe cùng đứa con nhích từng bước một. Cô gái không một lần ngoái đầu nhìn lại mẹ, bà mẹ cũng không ngẩng lên, cúi gằm đẩy xe.Qua đỉnh dốc mới thấy bà ngửa mặt lên, nhưng chắc không phải oán than, mà là để...thở. Mình nhìn thấy cảnh tượng đó từ khi chuẩn bị tới dốc nên cố tình đi chậm sau hai mẹ con quan sát. Họ chẳng quen biết gì mình nhưng sao mình cảm thấy bị ám ảnh quá. Hình như bọn trẻ bây giờ chỉ quen hưởng thụ, chúng không quan tâm chút nào đến những hy sinh hay cố gắng của người khác. Chưa biết chừng, cô gái đó trong khi mẹ ì ạch đẩy lên dốc, còn nghĩ rằng: Sao số mình khổ thế, người ta có cha mẹ giàu có, được ở nhà lầu, đi xe hơi, còn mình thì khổ thế này đây...

Mình bị cái tâm trạng đó ám ảnh cả buổi sáng nhưng rồi cũng nguôi ngoai bởi thực tế những cảnh trướng tai gai mắt kiểu đó thì ngày nào chẳng gặp không ở trên đường thì cũng ở đâu đó trong cuộc sống.

Mình nhớ lại một lần, năm đó gia đình mình đi Sầm Sơn nghỉ mát. Mọi người bảo, buổi tối nên đi xích lô dạo một vòng quanh thành phố, thấy thú vị lắm. Nghe lời, mình cùng chồng và con trai( khi đó mình mới có 1 bé trai thôi) gọi một chiếc xích lô để đi. Vừa đi được một đoạn, mình bắt đầu thấy bất an. Ba người trên cái xích lô làm cho bác xích lô gò lưng mà chiếc xe vẫn đủng đỉnh chẳng chịu nhích được là bao. Mình cảm thấy như đang bóc lột sức lao động của người khác một cách quá đáng nên giả vờ nói với chồng:

- Anh ơi, chỗ này nhiều hàng quán quá, hay mình đi bộ cho tiện.

- Điên ah, vừa đi ba bước đã đòi đi bộ, sao không đi bộ từ đầu luôn đi lại còn gọi xe.

Bác xích lô nghe vậy cũng sợ mình xuống xe lại chẳng kiếm được mấy đồng nên bồi thêm vào:

- Cháu ơi, đi một vòng thành phố cũng xa lắm, không đi bộ được đâu. Qua đoạn này đường thoáng ra nhiều, đi sẽ nhanh hơn.

Chẳng biết làm thế nào mình đành im lặng nhưng ngồi trên xích lô mà không khác gì ngồi trên đống lửa. May quá, nhìn thấy một cửa hàng bán hải sản, nhảy tọt xuống rồi bảo chồng:

- Đằng kia có chỗ bán nem chua đấy, hai bố con sang đó trước đi, em xem có đồ gì mua ở đây rồi đi bộ qua đó cũng được.

Thế là, lòng vòng cả thành phố Thanh Hóa gần như mình đi bộ, chồng và con trai đi xích lô. Mình mỏi nhừ cả chân, chỉ muốn về, nhưng không dám than thở. Còn chồng thì lại hồn nhiên chẳng để ý gì đến quãng đường ấy bởi có phải đi bộ đâu. Sau lần ấy, có đi đâu mà thấy xích lô mình phải tránh xa từ đầu. Đúng là, ai cũng như mình thì họ chết đói mất, nhưng dù sao cũng không nỡ. Vậy nên, chồng bảo mình ... điên có khi cũng phải. Xã hội vẫn thế, đầy ra đấy, có ai làm sao đâu.

Thôi, điên cũng được, nhưng hãy để mình cứ là mình đi.

Mới 2 tháng trước, cũng ở con dốc sáng nay, mình thấy một bà già gày chỉ còn da bọc xương nằm lả trên tay cô con gái khoảng 40 tuổi. Họ ngồi giữa cầu để xin tiền vì bà mẹ đang ốm nặng. Thương quá, mình rút túi đưa cho người con tờ 50 nghìn. Chẳng là bao nhưng mình nghĩ, ai cũng cho 50 nghìn thì chỉ vài ngày là mẹ con họ sẽ có đủ tiền vào viện điều trị.

Ngày hôm sau, mình lại gặp họ trên cầu. Trong đầu phân vân định cho tiền tiếp, nhưng không hiểu sao lúc đó mình chợt có cảm giác nghi ngờ nên không dừng lại nữa.

Hai tháng qua đi rồi mà không mấy ngày không thấy mẹ con họ ở đó.

Một lần đi sang bên quận 8, mình lại gặp ...người quen. Hai mẹ con họ cũng đang ngồi bê bết ở vệ đường, một người qua đường đang cúi xuống bỏ tiền vào chiếc nón cho họ.

Chẳng biết họ lừa mình, hay mình ích kỉ nhưng sao cứ thấy ấm ức không yên.

Hình như mình không cập nhật được cuộc sống, luôn thấy lạ lẫm với mọi điều diễn ra xung quanh. Cho nên, có người từng bảo mình: Em cứ thật thà thế, không sợ làm ăn người ta lừa cho hết à. Mình chỉ cười nhưng nghĩ, gieo nhân nào gặp quả đó. Mình chân thành, có kẻ này lừa mình thì sẽ có người khác giúp lại thôi.

Mình chẳng tranh đấu mấy chuyện ấy làm gì. Con người sống và hưởng thụ dựa trên tài năng và đạo đức của chính mình. Xứng đáng ở đẳng cấp nào, sẽ thuộc về đẳng cấp đó. Dù có chạy đua phù phiếm thì đến một ngày, cũng bị đẩy bật trở lại vị trí chính xác mà thôi.

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

PHÙ DU

Tháng trước, thằng em mình, sau gần một năm trị liệu với đủ thứ thuốc đông tây y, về thông báo tin buồn cho vợ và cả nhà biết rằng, bác sỹ bó tay. Bây giờ, nếu muốn có con, chỉ còn mỗi một cách là thụ tinh trong ống nghiệm mà sự may rủi là rất lớn. Chẳng ai dám phát biểu câu nào vì đó là một vấn đề vô cùng nhạy cảm.

Sau hôm ấy, nó thả cửa uống rượu, hút thuốc, không kiêng cữ gì cả. Đằng nào thì cũng ...hết cách. Vợ nó cũng chẳng ngăn cấm, thi thoảng còn đồng tình đi theo chồng đàn đúm bạn bè. Mình làm chị cũng chỉ biết cười vu vơ như con dở mỗi khi vô tình nói đến chuyện con cái. Thôi thì đành, con cái là lộc trời, đâu có phải cứ muốn là được.

Ấy thế mà, hôm qua, bà nấu bếp nhìn vợ nó rồi bảo: Chắc chắn mày có bầu rồi. Hai vợ chồng nó vừa vui, vừa hồi hộp, vừa...sợ. Bảo đi kiểm tra lại kêu thôi để độ nửa tháng nữa cho chắc chắn. Thế rồi, không nhịn được sáng sớm nay lại dắt nhau đi, về thì hớn ha hớn hở. Thằng chồng bảo: Chị ơi, từ hôm nay, cho vợ em nghỉ làm, nó có thai thật rồi. Mình bảo: Nghỉ chứ còn gì nữa, "long thai" mà, ai dám bắt làm. Rồi cười rũ, vợ chồng nó cũng không nhịn được cười, mà đang vui, nên nói gì chẳng cười.

Chúng nó thì hớn hở, mình cũng vui, nhưng lại mệt đây, mai bao việc vợ nó phụ trách, chưa có người thay, "tạm thời" đổ lên đầu chị.

Cái hạnh phúc được làm cha làm mẹ là thứ hạnh phúc nguyên thủy nhất không chỉ của loài người. Mình đã từng nhìn con mèo nhà mình khi nó liếm lớp màng bọc con nó vừa trào đời với bao trừu mến, nhẹ nhàng. Khi đó thì chưa hiểu cái cảm xúc của nó là gì, nhưng sau này, khi sinh con, mình chợt nhớ lại hình ảnh con mèo và biết rõ cái âu yếm khi ấy của nó.

Sinh con ra, mong con khôn lớn từng ngày. Khóc khi con khóc, cười khi con cười. Con ngã, mẹ muốn ngã thay con, con thất bại, mẹ đau đớn hơn cả chính mình thất bại.

Một lần, vào năm thứ nhất đại học, mẹ ra trường thăm mình. Mẹ ít khi ra vì mỗi tuần mình về một lần, hơn nữa có ra cũng vào nhà bác đợi mình chứ chưa bao giờ tới trường. Ngày hôm đó mẹ vội về không thể đợi nên đã đến thẳng trường đưa tiền cho mình nộp học phí. Thời điểm ấy, nhà mình vừa phá sản, các anh đi Nga hết, nhà cửa bán sạch, nợ nần chồng chất, mẹ suy nghĩ nhiều, tóc mẹ bạc trắng, mẹ gày và tiều tụy. Không hiểu sao, khi mẹ đứng cửa lớp gọi mình ra, mình chợt có cảm giác xấu hổ vô cùng. Mình cúi mặt bước ra nhận tiền mẹ đưa, mẹ vội vã ra về còn mình cũng lặng lẽ vào lớp. Cả buổi học đó mình im lặng. Mình không hiểu nổi mình nữa, cái cảm giác xấu hổ vẫn cứ làm hồng đôi má mình một cách không kiểm soát được. Mặc dầu trong đầu lúc đó đang nghĩ rằng mình là một kẻ vô ơn.

Mẹ trước đây không đẹp, chỉ ưa nhìn nhưng mẹ lúc nào cũng có phong thái nhàn nhã, đủng đỉnh do bố mình kiếm ra tiền, mẹ không phải lo lắng quá nhiều. Từ khi bố mất mẹ cũng phải lo toan nhưng tác phong nhà giáo cùng tính cách và phong độ của mẹ khiến mẹ vẫn có thần thái hơn người. Có lẽ trong đầu mình, mẹ lúc nào cũng ưu việt, nên khi nhìn vào thực tế hình ảnh của mẹ lúc bấy giờ, mình thấy tủi thân, mình thấy xấu hổ như mình là kẻ nói dối vậy, bởi mình vẫn thường kể về mẹ với hình ảnh khác hôm đó thật nhiều. Nhưng dù lí do gì chăng nữa thì mình vẫn là kẻ vô ơn bởi trong cái khoảnh khắc mà sự xấu hổ vượt trên tình yêu thương đó, mình đã quên mất sự hy sinh của mẹ cho anh em mình.

Nghĩ về việc đứa em có thai, lại nghĩ về thời khắc đó của mình, thấy hạnh phúc thật phù phiếm mong manh. Ta hy vọng một điều gì đó, đến khi đạt được rồi, lại không biết là hạnh phúc hay đau khổ. Mẹ còn là một người mẹ may mắn, bởi cái thời khắc xấu hổ đó chỉ là trong ý thức của mình, có thể mẹ sẽ rất buồn nếu mẹ nhận ra nhưng thời gian sẽ làm mẹ nguôi ngoai. Nhưng, có những người mẹ không được may mắn như thế, sinh con ra với bao hy vọng ngọt ngào, rồi khi nó khôn lớn, nó chà đạp, nó đánh đập, nó bỏ rơi...

Hạnh phúc là phù du.

Có người có chồng thương yêu chăm sóc, có con cái ngoan ngoãn, kinh tế gia đình khá giả bỗng dưng lại ...có bồ. Lí do là cuộc sống gia đình nhàm chán.

Những người đang bị chồng đối xử không ra gì, thậm chí đánh đập. Có những người kiếm bữa nay lo bữa mai, lại có những người vừa đi ăn xin vừa chăm con nằm viện...những người ấy sẽ bảo người phụ nữ có tất cả mà đi ngoại tình kia là điên, là đồ lăng loàn, là sướng mà không biết đường hưởng. Thế nhưng, chỉ có người nằm trong hoàn cảnh nào mới nắm rõ hoàn cảnh đó. Hạnh phúc không nằm ở hoàn cảnh, hạnh phúc là sự nhìn nhận.

Khi xưa, mình vẽ ra chuẩn mực, người đàn ông phải thế này, người phụ nữ phải thế kia, làm cha phải ra sao, làm mẹ phải thế nào. Mình chỉ nhìn nhận mọi người theo đúng cái thông lệ đó. Ai không theo quy luật ấy, mình cho là không tốt.

Sau hơn mười năm từ ngày trưởng thành, nhìn ai cũng không theo chuẩn mực. Ban đầu, mình tranh đấu để đòi mọi thứ xung quanh mình về đúng quy chẩn. Nhưng không được. Mình là người đầu tiên vi phạm vì chồng mình không thành đạt, kinh tế gia đình do mình lo lắng hết. Mình buộc phải làm những việc, lo toan những điều thông thường người đàn ông trong gia đình phải làm. Ban đầu cũng khó chịu lắm, sau lại thành quen nên chẳng thể trở về thành người phụ nữ nhu mì được nữa. Mà khi mình sai rồi, thì sẽ viện cớ này, lí do khác đểu biện minh cho mình, rồi thanh minh cho kẻ khác. Cuối cùng, cả mình và xã hội đều chấp nhận sự xộc lệch đó.

Cho đến giờ, mình sống bình lặng, không thấy gì đáng để vui quá, chẳng gì làm buồn quá. Không danh vọng nào khiến mình đánh đổi tất cả, chẳng thất bại nào làm mình có thể tự tử. Tóm gọn lại cuộc sống bây giờ là nhạt nhẽo.

Phấn đấu mãi mới đạt được cái cách sống ấy. Và mình không có ý định thay đổi nó. Với cuộc đời này, xã hội này, những con người ở đây, không sống thế, sẽ chẳng thể bình yên.

Nếu ai đó đã trải qua tất cả những gì mình từng trải qua, hoặc nhiều hơn thế, họ sẽ tìm đến một trong hai con đường: Hoặc là chết, hoặc là sống miễn dịch với mọi yếu tố.

Cuộc sống là cõi tạm, nhưng nếu ta coi nó là quán trọ, mà không chăm sóc, thì bà chủ nhà thuê sẽ đuổi ta ra đường sớm hơn dự kiến của ta. Cho nên, dù phù du, hạnh phúc vẫn là điều mà ai ai cũng kiếm tìm.

Dù ta nói, ta miễn dịch. Nhưng đôi khi, bác sĩ lại phát hiện ra một loại viruts chưa từng được biết đến trong lịch sử. Và, không thể nói, ta có còn khả năng miễn dịch với chúng hay không.

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

THẦY

Mình có một thói quen, đó là thời gian đi đường mình thường dùng để tranh thủ nghĩ ngợi về những điều quan trọng mà khi ở công ty hay ở nhà không tập trung suy nghĩ được. Chính vì thế, nhiều lúc có việc căng thẳng, mình phải đi ra đường cho thoáng gió và cũng là có đủ tập trung suy nghĩ cho thấu đáo.

Từ trưa hôm qua tới giờ, trừ những lúc bận rộn, cứ rảnh ra chút nào là hình ảnh thầy và câu nói của cô bạn thân lại vang lên: " Mày không thể tưởng tượng được đâu, thầy già và tiều tụy kinh khủng. Tao không thể tin vào mắt mình khi đến thăm thầy".

Cái cảm giác xót xa làm cho hai mắt cay xè. Sáng nay, do đoạn đường đi công việc khá dài nên thời gian đủ để nghĩ, để nhớ lại, để đau. Nước mắt mình không nén nổi, cứ tuôn ra xối xả vì thương, vì bất lực khi chẳng thể đỡ đần được cho thầy.

Mười năm từ ngày ra trường năm nào mình cũng thăm thầy và luôn nắm rõ cuộc sống gia đình thầy. Thầy không giàu có vì thầy luôn là một nhà giáo mẫu mực, một người thầy có lương tâm nghề nghiệp và có tình người. Thầy có lòng tự trọng rất cao nhưng lại có đủ sự khiêm tốn đáng quý để chan hòa với mọi người. Cho nên, về tổng quan thì cuộc sống của thầy yên ấm mọi bề, con cái ngoan ngoãn, vợ tốt và biết chăm lo gia đình.

Từ khi gia đình mình lục đục, mình rất xấu hổ và cũng không muốn thầy phải lo lắng cho mình nên đã không đến thăm thầy nữa.

Hai năm sau khi mình đã vào sài gòn thì được tin vợ thầy ung thư, thầy đã gom hết tiền bạc mọi thứ trong nhà có được bán đi để lấy tiền đưa vợ đi singapore chữa trị. nhưng căn bệnh đó vô phương cứu chữa nên tiền thì hết mà người cũng không cứu được.

Sau đợt đó thì mình ít nghe tin về thầy.

Lần ấy mình về bắc có đi tìm nhà thầy nhưng thầy chuyển nhà, đi cả buổi không tìm được vì nhà thầy chuyển đến không có địa chỉ cụ thể, thế là quay về.

Mình hơi chủ quan vì đôi lúc có hỏi thăm các thầy cô khác về thầy thì mọi người nói thầy cũng vẫn ổn. Với nghị lực của thầy và trình độ của thầy nữa, mình vẫn tin thầy sẽ ổn.

Hàng năm cứ đến ngày nhà giáo việt nam dù thăm hay không thăm, dù chúc mừng hay không chúc mừng thì có hai người giáo viên mình luôn nhớ tới và cầu chúc an lành, đó là mẹ mình và thầy.

Mẹ thì cũng rất khổ do cuộc sống thăng trầm, con cái không hạnh phúc. Thế nhưng, mẹ còn được một niềm an ủi đó là các anh mình thành đạt cả. Đó là mong mỏi lớn nhất của tuổi già và cũng là cái cọc cho người già bấu vứu, nương tựa.

Còn thầy, vợ mất, con làm ăn phá sản, giờ, khi đã về hưu, thầy vẫn phải đi dạy thêm để lấy tiền lo lắng cho con cháu. Chỉ thấy ông trời sao không công bằng gì cả. Một người như thầy mà cuộc đời chẳng có được cái hậu khi về già.

Hoàn cảnh cuộc sống như thế, thầy già và tiều tụy đi là điều dễ hiểu. Mình chỉ thấy có lỗi vì không thể giúp thầy được gì. Giúp một con đường thì không đủ năng lực, giúp về tiền bạc thì thầy sẽ không nhận.

Đúng là, khi làm ơn, chẳng ai nghĩ đến sau này sẽ được trả ơn. Nhưng người mang ơn thì ghi nhớ cả đời dù có cơ hội hay không có cơ hội báo đáp.

Khi trước lúc gia đình mình phá sản, có hai người dang tay cứu giúp mình. Một người là chị gái của mẹ, bác đã nuôi mình hai năm đầu đại học mà không cần biết sau này mình có trả được gì không. Nhưng điều đó còn dễ hiểu vì bác là ruột thịt với mình. Người thứ hai là thầy, thầy tiếc cho năng lực của mình, thương cho hoàn cảnh gia đình đúng lúc mình định hướng cuộc đời, thầy đã gọi mình đến nhà, dạy mình cả một năm trời không lấy một đồng tiền học nào, còn trợ giúp mình nhiều thứ. Sau này khi gia đình khá giả, mình cũng thăm thầy và tặng thày quà nhưng mình chẳng bao giờ thấy đủ cho tấm lòng của thầy. Lúc nào cũng thấy nợ thầy một ân tình.

Hôm trước mình nhắn tin chúc mừng thầy nhân ngày nhà giáo Việt Nam thấy thầy trả lời rất nhanh nhẹn, chính xác và vui vẻ, mình vui cả buổi tối hôm đó vì nghĩ thầy vẫn còn rất khỏe và phong độ. Mình không muốn gọi điện vì thầy trò mấy năm xa cách nói chuyện qua điện thoại sẽ không đủ được. Dự định trong đầu sẽ đến thăm thầy vào dịp tết khi ra bắc. Vậy mà hôm qua nghe tin về thầy, hôm nay lại không đủ can đảm gọi cho thầy dù rất muốn thăm hỏi động viên thầy. Mình hiểu cảm giác của người đang ở hoàn cảnh như thầy, mọi lời hỏi thăm đều rất dễ động chạm đến những nỗi niềm riêng. Vì thế, tâm trí mình cứ quanh quẩn với cuộc đời thầy.

Mỗi người đều chỉ sống một lần. Sống có lương tâm và trách nhiệm như thầy, mà cũng đâu có được bình an đi hết kiếp người. Vậy nên, cứ sống hết tấm chân tình của mình cho cuộc đời này, còn phúc phận thì đừng đỏi hỏi. Nếu có bất hạnh, thì hãy coi như kiếp trước ta không tu thân, để kiếp này phải trả nợ luân hồi.

Thầy ơi, hãy gắng sức để hy vọng ngày mai con thầy sẽ làm lại sự nghiệp, thầy sẽ được hưởng những năm cuối đời bình an thầy ạ. Em luôn tin một người như thầy không thể bất hạnh quá lâu. Cầu mong cho thầy được mạnh khỏe.