Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

GÓC CỦA MÌNH

Sáng nay khi chạy xe ra đường, vừa đến chân cầu thì thấy một cảnh tượng làm mình tức hết cả mắt. Một bà mẹ trông có vẻ tiều tụy, gày gò, quãng chừng 50 tuổi đẩy một chiếc xe ba gác chở trái cây bán rong. Một cô con gái chạc 20, ăn mặc khá sành điệu ngồi vắt vẻo một bên chiếc xe. Con dốc khá cao, bà mẹ gò lưng đẩy chiếc xe cùng đứa con nhích từng bước một. Cô gái không một lần ngoái đầu nhìn lại mẹ, bà mẹ cũng không ngẩng lên, cúi gằm đẩy xe.Qua đỉnh dốc mới thấy bà ngửa mặt lên, nhưng chắc không phải oán than, mà là để...thở. Mình nhìn thấy cảnh tượng đó từ khi chuẩn bị tới dốc nên cố tình đi chậm sau hai mẹ con quan sát. Họ chẳng quen biết gì mình nhưng sao mình cảm thấy bị ám ảnh quá. Hình như bọn trẻ bây giờ chỉ quen hưởng thụ, chúng không quan tâm chút nào đến những hy sinh hay cố gắng của người khác. Chưa biết chừng, cô gái đó trong khi mẹ ì ạch đẩy lên dốc, còn nghĩ rằng: Sao số mình khổ thế, người ta có cha mẹ giàu có, được ở nhà lầu, đi xe hơi, còn mình thì khổ thế này đây...

Mình bị cái tâm trạng đó ám ảnh cả buổi sáng nhưng rồi cũng nguôi ngoai bởi thực tế những cảnh trướng tai gai mắt kiểu đó thì ngày nào chẳng gặp không ở trên đường thì cũng ở đâu đó trong cuộc sống.

Mình nhớ lại một lần, năm đó gia đình mình đi Sầm Sơn nghỉ mát. Mọi người bảo, buổi tối nên đi xích lô dạo một vòng quanh thành phố, thấy thú vị lắm. Nghe lời, mình cùng chồng và con trai( khi đó mình mới có 1 bé trai thôi) gọi một chiếc xích lô để đi. Vừa đi được một đoạn, mình bắt đầu thấy bất an. Ba người trên cái xích lô làm cho bác xích lô gò lưng mà chiếc xe vẫn đủng đỉnh chẳng chịu nhích được là bao. Mình cảm thấy như đang bóc lột sức lao động của người khác một cách quá đáng nên giả vờ nói với chồng:

- Anh ơi, chỗ này nhiều hàng quán quá, hay mình đi bộ cho tiện.

- Điên ah, vừa đi ba bước đã đòi đi bộ, sao không đi bộ từ đầu luôn đi lại còn gọi xe.

Bác xích lô nghe vậy cũng sợ mình xuống xe lại chẳng kiếm được mấy đồng nên bồi thêm vào:

- Cháu ơi, đi một vòng thành phố cũng xa lắm, không đi bộ được đâu. Qua đoạn này đường thoáng ra nhiều, đi sẽ nhanh hơn.

Chẳng biết làm thế nào mình đành im lặng nhưng ngồi trên xích lô mà không khác gì ngồi trên đống lửa. May quá, nhìn thấy một cửa hàng bán hải sản, nhảy tọt xuống rồi bảo chồng:

- Đằng kia có chỗ bán nem chua đấy, hai bố con sang đó trước đi, em xem có đồ gì mua ở đây rồi đi bộ qua đó cũng được.

Thế là, lòng vòng cả thành phố Thanh Hóa gần như mình đi bộ, chồng và con trai đi xích lô. Mình mỏi nhừ cả chân, chỉ muốn về, nhưng không dám than thở. Còn chồng thì lại hồn nhiên chẳng để ý gì đến quãng đường ấy bởi có phải đi bộ đâu. Sau lần ấy, có đi đâu mà thấy xích lô mình phải tránh xa từ đầu. Đúng là, ai cũng như mình thì họ chết đói mất, nhưng dù sao cũng không nỡ. Vậy nên, chồng bảo mình ... điên có khi cũng phải. Xã hội vẫn thế, đầy ra đấy, có ai làm sao đâu.

Thôi, điên cũng được, nhưng hãy để mình cứ là mình đi.

Mới 2 tháng trước, cũng ở con dốc sáng nay, mình thấy một bà già gày chỉ còn da bọc xương nằm lả trên tay cô con gái khoảng 40 tuổi. Họ ngồi giữa cầu để xin tiền vì bà mẹ đang ốm nặng. Thương quá, mình rút túi đưa cho người con tờ 50 nghìn. Chẳng là bao nhưng mình nghĩ, ai cũng cho 50 nghìn thì chỉ vài ngày là mẹ con họ sẽ có đủ tiền vào viện điều trị.

Ngày hôm sau, mình lại gặp họ trên cầu. Trong đầu phân vân định cho tiền tiếp, nhưng không hiểu sao lúc đó mình chợt có cảm giác nghi ngờ nên không dừng lại nữa.

Hai tháng qua đi rồi mà không mấy ngày không thấy mẹ con họ ở đó.

Một lần đi sang bên quận 8, mình lại gặp ...người quen. Hai mẹ con họ cũng đang ngồi bê bết ở vệ đường, một người qua đường đang cúi xuống bỏ tiền vào chiếc nón cho họ.

Chẳng biết họ lừa mình, hay mình ích kỉ nhưng sao cứ thấy ấm ức không yên.

Hình như mình không cập nhật được cuộc sống, luôn thấy lạ lẫm với mọi điều diễn ra xung quanh. Cho nên, có người từng bảo mình: Em cứ thật thà thế, không sợ làm ăn người ta lừa cho hết à. Mình chỉ cười nhưng nghĩ, gieo nhân nào gặp quả đó. Mình chân thành, có kẻ này lừa mình thì sẽ có người khác giúp lại thôi.

Mình chẳng tranh đấu mấy chuyện ấy làm gì. Con người sống và hưởng thụ dựa trên tài năng và đạo đức của chính mình. Xứng đáng ở đẳng cấp nào, sẽ thuộc về đẳng cấp đó. Dù có chạy đua phù phiếm thì đến một ngày, cũng bị đẩy bật trở lại vị trí chính xác mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét